K.Marx - F.Enggels
Nội chiến ở Pháp


PHẦN 3

Sáng ngày 18 tháng Ba, Pa-ri được đánh thức bằng tiếng hô vang như sấm dậy: "Vive la Commune!"[1*]. Vậy Công xã, con quái vật khiến cho tâm trí tư sản rất lo phiền, là cái gì?

Thấy rõ sự đớn hèn và sự phản bội của các giai cấp thống trị".- Ủy ban trung ương trong bản tuyên ngôn về ngày 18 tháng Ba, viết- "những người vô sản Pa-ri hiểu rõ rằng đã đến lúc phải lự mình quản lý lấy công việc xã hội, để cứu vãn tình thế... Họ hiểu rằng nghĩa vụ tối cao và quyền tuyệt đối của mình là phải tự mình làm chủ vận mệnh của mình, tự mình năm lấy chính quyền"[224].

Nhưng giai cấp công nhân không thể chỉ giản đơn nắm lấy bộ máy nhà nước sẵn có và vận dụng nó để đạt mục đích của mình được.

Chính quyền nhà nước tập trung, - với những cơ quan có mặt khắp nơi của nó: quân đội thường trực, cảnh sát, bộ máy quan liêu, tăng lữ và quan tòa, những cơ quan được xây dựng theo nguyên tắc phân công lao động có hệ thống và có đẳng cấp - tồn tại ngay từ thời quân chủ chuyên chế, trong đó nó được xã hội tư sản vừa mới nẩy sinh dùng làm vũ khí mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh của xã hội đó chống chế độ phong kiến. Nhưng những đặc quyền của bọn lãnh chúa phong kiến, đặc quyền địa phương, độc quyền thành thị và phường hội và những pháp luật hàng tỉnh- tất cả những đồ vứt đi ấy của thời trung cổ đã kìm hãm sự phát triển của chính quyền đó. Nhát chổi khổng lồ của cuộc cách mạng Pháp hồi thế kỷ XVIII đã quét sạch tất cả những tàn tích ấy của các thời đã qua, do đó, đồng thời, quét khỏi nền tảng xã hội những trở ngại cuối cùng cản trở việc thiết lập cái kiến trúc thượng tầng là nhà nước hiện đại. Nhà nước này đã được dựng lên dưới thời Đế chế thứ nhất mà bản thân Đế chế này lại là kết quả của các cuộc chiến tranh đồng minh của châu Âu nửa phong kiến cũ chống nước Pháp mới. Dưới những chế độ sau đó thì chính phủ, do nghị viện kiểm soát, nghĩa là do các giai cấp hữu sản trực tiếp kiểm soát, không phải chỉ biến thành cái vườn ươm những quốc trái khổng lồ và những thuế má nặng nề; với những điều quyến rũ không ai cưỡng nổi như địa vị, tiền tài và quyền thế, một mặt nó trở thành đối tượng phân tranh giữa các phe cánh cạnh tranh nhau và những tay phiêu lưu của các giai cấp thống trị, và mặt khác, tính chất chính trị của nó cũng biến đổi cùng với những biến đổi kinh tế trong xã hội. Tiến bộ của công nghiệp hiện đại càng phát triển, càng mở rộng và càng khơi sâu thêm mâu thuẫn giai cấp giữa tư bản và lao động thì chính quyền nhà nước càng có tính chất là một chính quyền toàn quốc của tư bản đối với lao động, là một lực lượng xã hội được tổ chức nhằm mục đích nô dịch xã hội, và là một bộ máy thống trị giai cấp[2*]. Sau mỗi cuộc cách mạng đánh dấu một bước tiến nhất định của đấu tranh giai cấp thì tính chất thuần túy áp bức của chính quyền nhà nước càng lộ rõ trông thấy. Cách mạng năm 1830 đã chuyển chính quyền từ tay bọn địa chủ qua tay bọn tư bản, nghĩa là từ tay bọn địch thủ xa hơn của giai cấp công nhân qua tay bọn địch thủ trực tiếp hơn của họ. Bọn cộng hòa tư sản, nhân danh Cách mạng tháng Hai mà chiếm lấy chính quyền nhà nước, đã dùng chính quyền đó gây ra cuộc tàn sát tháng Sáu, để thuyết phục giai cấp công nhân rằng nền cộng hòa "xã hội" có nghĩa là một nền cộng hòa đảm bảo sự nô dịch xã hội đối với họ, và cũng để chứng minh cho đám những người tư sản bảo hoàng và cho giai cấp địa chủ thấy rằng chúng có thể an tâm nhường công việc quản lý và những lợi lộc tiền bạc của việc quản lý cho bọn "cộng hòa" tư sản gánh vác. Nhưng sau cái chiến công tháng Sáu oanh liệt độc nhất của chính mình, bọn cộng hòa tư sản không tránh khỏi rơi từ hàng đầu xuống hàng sau chót của "đảng trật tự", tức là của khối liên minh hình thành từ tất cả các đảng phái đối địch nhau của giai cấp chiếm đoạt trong sự đối kháng công khai hiện nay của chúng với các giai cấp những người sản xuất. Chính thức thích hợp nhất cho việc quản lý chung của họ là chế độ cộng hòa đại nghị với Lu-i Bô-na-pác-tơ làm tổng thống; đó là một chế độ công khai thực hành khủng bố giai cấp và cố tâm làm nhục "đám dân đen". Nếu chế độ cộng hòa đại nghị là chính thể "khiến cho họ" (tức là các đảng phái của giai cấp thống trị) "ít chia rẽ nhau hơn hết" như ngài Chi-e đã tuyên bố, thì chính thể đó lại đào lên một vực thẳm giữa cái giai cấp ít người ấy với toàn cơ thể xã hội đứng ngoài hàng ngũ của họ. Nếu dưới thời các chính thể trước, sự phân tranh nội bộ của giai cấp thống trị dù sao cũng đã gây ra cho chính quyền nhà nước những hạn chế nhất định thì hiện nay sự liên hợp của giai cấp đó đã xóa bỏ những hạn chế ấy. Trước nguy cơ nổi dậy của giai cấp vô sản, giai cấp thống trị liên hợp liền lợi dụng chính quyền nhà nước một cách thẳng tay và vô si, làm vũ khí tác chiến toàn quốc của tư bản chống lại lao động. Nhưng cuộc chinh phạt liên miên không ngừng của họ chống lại quần chúng sản xuất một mặt buộc họ phải làm cho quyền hành chính ngày càng có nhiều quyền lực để trấn áp sự phản kháng, mặt khác buộc họ phải tước dần tất cả những thủ đoạn mà cái dinh lũy nghị trường của họ, tức là Quốc hội, dùng làm phương tiện tự bảo vệ chống lại quyền hành chính. Lu-i Bô-na-pác-tơ, đại biểu cho quyền hành chính đó, đã đuổi cổ những đại biểu của giai cấp thống trị. Đế chế thứ hai là hậu quả tự nhiên của nền cộng hòa của đảng trật tự.

Đế chế thứ hai,- lấy coup d'état làm giấy khai sinh, lấy chế độ đầu phiếu phổ thông làm thủ tục phê chuẩn và lấy thanh gươm làm gậy chỉ huy,- tuyên bố rằng nó dựa vào nông dân, tức là vào khối quần chúng đông đảo những người sản xuất không trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động. Đế chế ấy tự cho mình là cứu tinh của giai cấp công nhân vì đã xóa bỏ chế độ đại nghị, do đó mà xóa bỏ được sự lệ thuộc công khai của chính phủ vào các giai cấp hữu sản, và tự cho mình là cứu tinh của các giai cấp hữu sản vì đã duy trì sự thống trị kinh tế của họ đối với giai cấp công nhân. Và cuối cùng, nó tự khoe là đã đoàn kết tất cả các giai cấp lại xung quanh cái ảo ảnh giả dối về sự quang vinh của nước nhà mà nó làm sống trở lại.Thực ra, đế chế chỉ là hình thức thống trị duy nhất có thể thích hợp được với một thời kỳ mà giai cấp tư sản đã mất năng lực quản lý đất nước, còn giai cấp công nhân thì chưa có năng lực đó. Đế chế ấy đã được toàn thế giới hoan nghênh, coi là cứu tinh của xã hội. Dưới quyền thống trị của đế chế, xã hội tư sản, không còn phải lo âu về mặt chính trị, đã phát triển tới mức mà thậm chí nó chưa bao giờ dám mơ tưởng tới. Công thương nghiệp phát triển với những quy mô khổng lồ; bọn đầu cơ của sở giao dịch mở những cuộc chè chén có tính chất thế giới của chúng, cảnh khốn cùng của quần chúng tương phản gay gắt với sự trưng bày vô sỉ sự xa hoa vô độ nhờ lừa đảo và tội ác mà có. Chính quyền nhà nước tựa hồ như bay lượn rất cao trên xã hội, nhưng trong thực tế lại là một sự sỉ nhục lớn nhất của xã hội ấy, là cái vườn ươm tất cả những điều thối tha của xã hội. Lưỡi lê của Phổ đã bóc trần tất cả sự thối nát của chính quyền nhà nước đó và của xã hội mà chính quyền đó đã cứu vãn, và chính ngay Phổ cũng ước ao dời trọng tâm của chế độ thống trị đó từ Pa-ri sang Béc-lin. Đế chế là hình thức hủ bại nhất đồng thời cũng là hình thức cuối cùng của cái chính quyền nhà nước xã hội tư sản vừa mới ra đời đã tạo ra làm phương tiện để tự giải thoát khỏi chế độ phong kiến, mà cuối cùng, xã hội tư sản phát triển đầy đủ đã biến thành một công cụ để tư bản nô dịch lao động.

Cái đối lập trực tiếp với đế chế là Công xã. Khẩu hiệu "cộng hòa xã hội" mà giai cấp vô sản Pa-ri dùng để chào mừng cuộc Cách mạng tháng Hai, chẳng qua chỉ biểu thị một nguyện vọng mơ hồ muốn lập một nền cộng hòa không những có thể hủy bỏ được hình thức quân chủ của sự thống trị giai cấp, mà còn hủy bỏ được chính ngay cả sự thống trị giai cấp nữa. Công xã là một hình thức cụ thể của nền cộng hòa đó.

Pa-ri, nơi đóng đô và trung tâm của chính quyền cũ, đồng thời là thành trì xã hội của giai cấp công nhân Pháp, đã cầm vũ khí chống lại mưu toan của Chi-e là nghị viện địa chủ của hắn định khôi phục và duy trì vĩnh viễn cái chính quyền cũ mà đế chế đã để lại. Pa-ri sở dĩ đã chống cự lại được, chỉ là vì, do bị vây hãm, nó đã loại bỏ được quân đội và thay bằng một đội vệ binh quốc giá gồm chủ yếu là công nhân. Hiện nay, cần phải biến thực trạng đó thành một chế độ hẳn hoi; cho nên sắc lệnh đầu tiên của Công xã là xóa bỏ quân đội thường trực và thay bằng nhân dân vũ trang.

Công xã gồm những đại biểu thành phố do đầu phiếu phổ thông ở các khu của Pa-ri bầu lên. Họ là những đại biểu có trách nhiệm và có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào. Đa số ủy viên của Công xã tất nhiên phải là những công nhân hoặc là những đại biểu được thừa nhận của giai cấp công nhân. Công xã không nên là một cơ quan đại nghị, mà phải là một cơ thể hành động, vừa hành chính, vừa lập pháp. Cảnh sát, trước kia vốn là công cụ của chính phủ trung ương thì nay lập tức đã bị tước hết mọi chức năng chính trị và biến thành một cơ quan có trách nhiệm của Công xã và có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào. Đối với những viên chức thuộc tất cả mọi ngành khác trong bộ máy hành chính thì cũng như vậy. Từ các ủy viên Công xã cho tới những nhân viên cấp thấp nhất đều phải đảm bảo công vụ với mức lương ngang lương công nhân. Những đặc quyền đặc lợi và những phụ cấp chức vụ của những kẻ quyền cao chức trọng của nhà nước cũng biến đi cùng với chính ngay những kẻ quyền cao chức trọng đó. Chức vị xã hội không còn là sở hữu riêng của bọn bộ hạ của chính phủ trung ương nữa. Không những việc quản lý thành thị mà tất cả quyền định đoạt xưa nay thuộc nhà nước, đều chuyển vào tay Công xã.

Một khi đã bãi bỏ quân đội thường trực và cảnh sát, tức là những công cụ quyền lực vật chất của chính phủ cũ, Công xã lập tức bắt tay vào đập tan công cụ áp bức tinh thần, tức là "thế lực tăng lữ", bằng cách tách giáo hội ra khỏi nhà nước và tước đoạt tài sản của tất cả những giáo hội nào là những tập đoàn hữu sản. Các tăng lữ phải trở lại với cuộc sống riêng yên tĩnh, để sống bằng những bố thí của tín đồ, noi gương những bậc thánh tông đồ tiền bối của họ. Tất cả các nhà trường đều mở rộng cửa đón nhân dân vào học không mất tiền, và đồng thời được giải thoát khỏi mọi sự can thiệp của nhà thờ và nhà nước. Như thế, không những tất cả mọi người đều được hưởng nền giáo dục nhà trường, mà ngay cả khoa học cũng được giải phóng khỏi những xiềng xích của những thành kiến giai cấp và của quyền lực chính phủ.

Các viên chức tư pháp đều mất hết cái vẻ độc lập bề ngoài được dùng chỉ để che đậy sự phục tùng hèn hạ của họ đối với tất cả mọi chính phủ nối tiếp nhau mà họ đã lần lượt tuyên thệ trung thành để rồi về sau lại bội phản. Cũng như các công chức khác trong xã hội, từ nay trở đi, họ đều phải được công khai bầu lên, chịu trách nhiệm và có thể bị bãi miễn.

Tất nhiên Công xã Pa-ri phải là kiểu mẫu cho tất cả các trung tâm công nghiệp lớn ở Pháp. Chế độ của Công xã, một khi đã được thiết lập ở Pa-ri và các trung tâm thứ yếu rồi, thì cả ở các tỉnh, chính phủ tập quyền cũ cũng phải nhường chỗ cho cơ quan tự quản của những người sản xuất. Trong một bản phác họa ngắn gọn về tổ chức quốc gia mà Công xã chưa kịp xây dựng tỉ mỉ thêm, người ta đã khẳng định dứt khoát rằng Công xã cần phải trở thành hình thức chính trị của ngay cả những thôn xóm nhỏ nhất. Và quân đội thường trực ở các miền nông thôn cũng phải được thay thế bằng một đội dân cảnh với thời hạn nghĩa vụ quân sự rất ngắn. Một hội đồng đại biểu đóng ở tỉnh lỵ phải quản lý những công việc chung của tất cả các công xã nông thôn trong tỉnh, và các hội đồng hàng tỉnh đó, đến lượt chúng, lại phải cử đại biểu đi tham dự Nghị viện quốc gia đóng ở Pa-ri; các đại biểu đều phải nghiêm khắc tuân theo một mandat impératif (chế độ ủy nhiệm tuyệt đối) của các cử tri của mình và có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào. Những chức năng, không nhiều nhưng rất quan trọng, hãy còn nằm trong tay chính phủ trung ương thì không được bãi bỏ - như người ta đã từng cố ý nói một cách sai đi - mà phải được chuyển giao cho những viên chức Công xã, tức là những viên chức có trách nhiệm rõ rệt. Không được phá vỡ sự thống nhất dân tộc mà trái lại sự thống nhất đó phải được cơ cấu công xã tổ chức lên. Sự thống nhất dân tộc phải trở thành một hiện thực bằng cách hủy bỏ chính quyền nhà nước vẫn tự xưng là hiện thân của sự thống nhất ấy nhưng lại muốn độc lập đối với dân tộc, đứng trên dân tộc. Kỳ thực thì chính quyền nhà nước ấy chỉ là một cái u ăn bám trên thân thể dân tộc mà thôi. Cần phải cắt bỏ những cơ quan thuần túy áp bức của chính phủ cũ nhưng phải đoạt lấy những chức năng hợp lý của nó trong tay một chính quyền xưa nay vốn có tham vọng đứng trên cả xã hội, và đem giao cho những người đầy tớ có trách nhiệm của xã hội. Không phải cứ 3 năm hoặc 6 năm một lần lại quyết định cá nhân nào trong giai cấp thống trị phải đại điện và đàn áp nhân dân tại Nghị viện, quyền đầu phiếu phổ thông phải phục vụ nhân dân đã được tồ chức thành Công xã cũng như quyền lựa chọn cá nhân phục vụ bất cứ một chủ xưởng nào trong việc tìm kiếm được công nhân, nhân viên đốc công và nhân viên kế toán cho xí nghiệp của mình. Như mọi người đều biết, trong hoạt động kinh doanh, các xí nghiệp cũng như các cá nhân đều thường biết xếp đặt người thích đáng vào vị trí thích đáng, và nếu có lúc phạm sai lầm thì họ cũng biết sửa chữa sai lầm của mình một cách nhanh chóng. Mặt khác, Công xã, xét theo bản chất của nó, vốn tuyệt đối phản đối việc đem chế độ phong ngôi thứ thay cho chế độ đầu phiếu phổ thông[225].

Số phận thông thường của những sáng tạo mới trong lịch sử hay bị nhận lầm là một sự mô phỏng những hình thức sinh hoạt xã hội cũ, thậm chí đã lỗi thời, vì những thiết chế mới có thể có một vài điểm nào đó giống với những hình thức cũ ấy. Ví dụ như cái công xã kiểu mới này, cái công xã đã phá hủy chính quyền nhà nước hiện đại, đã bị coi là sự phục hồi của những công xã thời trung cổ, tức là của những công xã lúc đầu thì đi trước chính quyền nhà nước ấy, và về sau lại trở thành nền tảng của chính quyền đó- Chế độ công xã đã bị nhận lầm là một mưu toan dùng sự liên minh của nhiều quốc gia nhỏ, như Mông-te-xki-ơ và phái Gi-rông-đanh[226] hằng mơ ước, thay cho sự thống nhất của các quốc gia lớn, sự thống nhất hiện nay đã trở thành một nhân tố mạnh mẽ của sản xuất xã hội, mặc dù lúc đầu là do bạo lực chính trị tạo ra.- Sự đối kháng giữa Công xã và chính quyền nhà nước đã bị nhận lầm là một hình thức thái quá của cuộc đấu tranh cũ chống lại chế độ tập trung quá mức. Những điều kiện lịch sử đặc thù có thể đã cản trở hình thức thống trị tư sản ở các nước khác phát triển một cách cổ điển, như ở Pháp, và có thể dẫn tới chỗ, như ở Anh, bổ sung các cơ quan trung ương chủ yếu của nhà nước bằng những hội đồng nhà xứ hủ bại, những ủy viên Hội đồng thị chính trục lợi, những tên giám thị hung hãn của sở cứu tế ở thành thị và nông thôn và bằng những quan tòa thực sự cha truyền con nối. Chế độ công xã hình như đã hoàn lại cho cơ thể xã hội tất cả những lực lượng từ trước đến nay đã bị nuốt mất bởi cái nhà nước ăn bám trên thân thể xã hội và kìm hãm sự tự do phát triển của xã hội. Chỉ nguyên việc đó cũng khiến cho sự nghiệp phục hưng của nước Pháp được thúc đẩy tiến lên rồi.- Giai cấp tư sản Pháp ở các thị xã của các tỉnh xem Công xã như một mưu đồ khôi phục lại sự thống trị mà giai cấp đó đã từng áp đặt lên nông thôn, dưới thời Lui- Phi-líp, sự thống trị mà dưới thời Lu-i-na-pô-lê-ông đã bị sự thống tri hư ảo của nông thôn đối với thành thị thay thế. Kỳ thực, chế độ công xã hình như đã đặt được những người sản xuất ở nông thôn dưới sự lãnh đạo tinh thần của các thành thị chủ yếu trong mỗi địa khu và bảo đảm cho họ có thể coi công nhân các thành thị là người đại biểu tự nhiên cho lợi ích của họ.- Bản thân sự tồn tại của Công xã cũng đã mặc nhiên có nghĩa là sự tự trị địa phương, nhưng nó không còn là một cái đối lập với chính quyền nhà nước hiện đã trở thành thừa rồi. Chỉ có một tên Bi-xmác nào đó- nếu hắn không đi vào những âm mưu trong đó máu lửa bao giờ cũng đứng ở hàng đầu, thì hắn dành toàn bộ thời gian làm cái nghề nghiệp cũ thích hợp nhất với trí lực của hắn là nghề cộng tác với tạp chí "Kladderadatsch" (tạp chí "Punch" ở Béc-lin)[227], chỉ có một kẻ như thế mới có thể nảy ra ý nghĩ cho rằng Công xã Pa-ri có hoài bão muốn học theo chế độ thành thị của nước Phổ, một chế độ mà so với tổ chức thành thị cũ ở Pháp năm 1791 thì chỉ là một bức phỏng họa bôi bác, một chế độ hạ thấp cơ quan quản lý thành thị xuống hàng chỉ còn là những bánh xe phụ thuộc trong bộ máy cảnh sát của nhà nước Phổ.

Công xã đã thực hiện được khẩu hiệu của tất cả các cuộc cách mạng tư sản là thiết lập một chính phủ ít tốn kém, bằng cách hủy bỏ hai món chi tiêu lớn nhất: quân đội thường trực[3*] và hệ thống quan lại. Ngay bản thân sự tồn tại của Công xã đã là sự phủ định cái chế độ quân chủ, cái chế độ ít ra ở châu Âu cũng là một gánh nặng thường thấy về sự thống trị giai cấp và là cái mặt nạ tất yếu của sự thống trị giai cấp. Công xã đã cung cấp cho nền cộng hòa cái cơ sở của những thiết chế thật sự dân chủ. Nhưng cả cái chính phủ ít tốn kém lẫn "chế độ cộng hòa chân chính" cũng đều không phải là mục đích cuối cùng của Công xã; những cái đó chẳng qua chỉ là những hiện tượng xuất hiện theo nó mà thôi. Công xã dẫn đến rất nhiều cách giải thích, nó là biểu hiện của rất nhiều lợi ích, những điều đó chứng minh rằng Công xã chính là một hình thức chính trị linh hoạt đến cao độ, còn tất cả những hình thức chính phủ trước kia về thực chất đều là áp bức. Bí quyết thực sự của Công xã là ở chỗ: về thực chất nó là một chính phủ của giai cấp công nhân[4*], là kết quả của cuộc đấu tranh của giai cấp những người sản xuất chống lại giai cấp chiếm đoạt là hình thức chính trị rốt cuộc đã tìm ra được khiến cho có thể thực hiện được việc giải phóng lao động về mặt kinh tế.

Không có điều kiện cuối cùng này thì chế độ công xã là không thể thực hiện được và là một sự lừa dối. Sự thống trị chính trị của những người sản xuất quyết không thể cùng tồn tại với tình trạng kéo dài mãi mãi địa vị nô lệ xã hội của họ. Vậy công xã phải được dùng làm công cụ để quét sạch những cơ sở kinh tế của chính ngay sự tồn tại của các giai cấp, tức là của sự thống trị giai cấp. Một khi lao động đã được giải phóng thì mọi người đều trở thành công nhân, và lao động sản xuất không còn là thuộc tính của một giai cấp nhất định nữa.

Thật là một việc kỳ lạ: mặc dù trong 60 năm gần đây, người ta đã từng nói nhiều và viết nhiều về giải phóng lao động, nhưng chỉ cần công nhân ở một nơi nào đó kiên quyết nắm lấy sự nghiệp ấy trong tay thì lập tức, những kẻ biện hộ cho cái xã hội hiện đại với hai cực đối lập của nó là tư bản và lao động nô lệ làm thuê (địa chủ hiện chỉ còn là bạn đường lặng lẽ của nhà tư bản thôi) liền tuôn ra những lời biện giải phản đối họ, làm như thể là xã hội tư bản chủ nghĩa còn hoàn toàn trinh bạch và vô tội! Làm như thể là tất cả những mâu thuẫn của nó còn chưa phát triển, tất cả những sự gian dối của nó còn chưa bị vạch trần, thực trạng bỉ ổi của nó còn chưa bị bộc lộ? Họ nói: Công xã muốn tiêu diệt chế độ tư hữu, cơ sở của mọi văn minh! Thưa các ngài, đúng đấy, Công xã muốn tiêu diệt cái quyền sở hữu giai cấp đang làm cho lao động của nhiều người biến thành sự giàu có của một số ít người. Nó muốn tước đoạt những kẻ đi tước đoạt. Nó muốn biến quyền sở hữu cá nhân trở thành một hiện thực, bằng cách biến những tư liệu sản xuất, ruộng đất và tư bản, hiện nay chủ yếu là công cụ nô dịch và bóc lột lao động, thành công cụ lạo động tập thể và tự do.- Nhưng đó là chủ nghĩa cộng sản, là chủ nghĩa cộng sản "không thể thực hiện được"? Thế nhưng có những người trong các giai cấp thống trị có đủ thông minh để hiểu được rằng chế độ hiện tại không thể tồn tại lâu dài- những người đó không phải là ít- lại trở thành những tay cổ vũ đáng ghét và ồn ào cho nền sản xuất hợp tác. Nhưng nếu sản xuất hợp tác không phải là một lời nói trống rỗng hoặc một sự lừa phỉnh, nếu sản xuất hợp tác tất phải loại trừ chế độ tư bản chủ nghĩa, nếu liên hợp các tập đoàn hợp tác tổ chức nền sản xuất quốc dân theo một kế hoạch công, do đó nắm lấy việc lãnh đạo nền sản xuất ấy và chấm dứt tình trạng vô chính phủ thường xuyên và những sự rối loạn theo chu kỳ không thể tránh khỏi dưới nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, thì thưa các ngài, cái đó là gì nếu không phải là chủ nghĩa cộng sản, là chủ nghĩa cộng sản "có thể thực hiện được"?

Giai cấp công nhân không hề trông mong Công xã có những phép lạ. Giai cấp công nhân không có những ảo tưởng hoàn toàn có sẵn để thực hiện par décret du peuple[5*]. Nó biết rằng muốn thực hiện được việc giải phóng cho bản thân mình và đồng thời đạt được hình thức sinh hoạt cao hơn mà xã hội hiện đại, do bản thân sự phát triển kinh tế của nó, đang không thể nào không hướng tới, thì nó sẽ phải trải qua nhiều cuộc đấu tranh lâu dài, và trải qua cả một loạt những quá trình lịch sử làm hoàn toàn biến đổi cà hoàn cảnh và con người. Nó không cần phải thực hiện một lý tưởng nào cả, mà chỉ cần giải phóng những nhân tố của xã hội mới đã phát triển trong lòng xã hội tư sản cũ đang sụp đổ. Hoàn toàn nhận rõ sứ mệnh lịch sử của mình và quyết tâm anh dũng hoàn thành sứ mệnh đó, giai cấp công nhân có thể lấy nụ cười khinh bỉ để đáp lại những lời chửi rủa thô tục của bọn bồi bút và những lời giáo huấn uyên bác của các nhà khống luận tư sản có hảo tâm, họ cứ tuôn ra, với cái giọng sấm truyền tuyệt nhiên không bao giờ sai lầm, những lời nhảm nhí ngu xuẩn và những mơ tưởng hão huyền có tính chất bè phái của họ.

Khi Công xã Pa-ri nắm quyền lãnh đạo cách mạng trong tay, khi những công nhân bình thường lần đầu tiên dám đụng đến đặc quyền quản lý nhà nước của những kẻ "bề trên tự nhiên" của mình[6*] và trong những điều kiện khó khăn chưa từng thấy, đã thực hiện công việc đó một cách khiêm tốn, tận tâm và có hiệu quả với số tiền lương mà mức cao nhất không vượt quá một phần năm số lương tối thiểu của một viên thư ký trong một hội đồng giáo dục quốc dân nào đó ở Luân Đôn, như một nhân vật có uy tín trong giới khoa học[7*] đã phát biểu, thì thế giới cũ điên cuồng lồng lộn lên khi thấy ngọn cờ đỏ, tượng trưng của nền Cộng hòa lao động, phấp phới bay trên tòa thị chính.

Thế nhưng, rút cục đó là cuộc cách mạng thứ nhất trong đó giai cấp công nhân được công khai thừa nhận là giai cấp duy nhất có khả năng sáng tạo về mặt xã hội; ngay cả những tầng lớp đông đảo của giai cấp trung đảng Pa-ri- chủ hiệu nhỏ, nhà thủ công nghiệp và nhà buôn, chỉ trừ bọn tư bản giàu có- cũng công nhận như thế. Công xã đã cứu họ, vì nó đã giải quyết một cách khôn khéo cái vấn đề trước đây luôn gây ra sự phân tranh ngay trong nội bộ giai cấp trung đằng, tức là vấn đề con nợ và chủ nợ[228]. Chính bộ phận ấy của giai cấp trung đẳng đã tham gia trấn áp cuộc khởi nghĩa công nhân hồi tháng Sáu 1848, thế mà sau đó lại lập tức bị Quốc hội lập hiến đem hy sinh không kèn không trống cho bọn chủ nợ của nó[229]. Nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất khiến cho ngày nay nó đứng về phía giai cấp công nhân. Nó cảm thấy phải lựa chọn hoặc Công xã, hoặc đế chế, dù đế chế này có thể xuất hiện dưới danh hiệu gì cũng vậy. Đế chế đã làm cho bộ phận ấy của giai cấp trung đẳng bị phá sản về kinh tế, vì đế chế đã ăn cắp tài sản xã hội, đã che chở cho sự đầu cơ đại quy mô ở sở giao dịch, đã đẩy nhanh việc tập trung tư bản một cách giả tạo và dẫn tới chỗ làm cho bộ phận ấy của giai cấp trung đẳng bị tước đoạt. Về mặt chính trị, đế chế đã áp bức họ; về mặt đạo đức đã làm cho họ tức giận bằng những cuộc chè chén lu bù; nó đã xúc phạm chủ nghĩa Vôn-te của họ vì đã giao việc giáo dục con cháu họ cho frères ignorantins[8*] [230]; nó đã chọc tức tình cảm dân tộc Pháp của họ vì đã xô đẩy họ một cách thiếu suy nghĩ vào một cuộc chiến tranh gây nên nhiều tàn phá nhưng chỉ để lại một sự đền bù duy nhất là: sự lật đổ đế chế. Thực vậy, sau khi bohème[9*] các quan chức quyền cao chức trọng thuộc phái Bô-na-pác-tơ và bọn tư bản rút chạy khỏi Pa-ri thì đảng trật tự chân chính của giai cấp trung đẳng xuất đầu lộ diện dưới danh nghĩa Liên minh cộng hòa[231] tự nguyện đứng dưới lá cờ của Công xã và bảo vệ Công xã chống lại những sự vu khống của Chi-e. Lòng biết ơn của khối quần chúng rộng lớn đó của giai cấp trung đẳng có chịu đựng nổi những thử thách nghiêm trọng hiện nay không, chỉ có thời gian mới chứng minh được điều đó.

Công xã có đầy đủ lý do để nói với nông dân rằng: "thắng lợi của Công xã là hy vọng duy nhất của các anh?"[232]. Trong tất cả những lời dối trá sản sinh ra ở Véc-xây và được bọn bồi bút trứ danh ở châu Âu truyền đi khắp thế giới, có một lời dối trá đê mạt nhất nói rằng "nghị viện địa chủ"- đại biểu cho nông dân Pháp. Hãy thử tưởng tượng một chút xem nông dân Phập yêu mến như thế nào những nhân vật mà sau năm 1815 họ đã phải nộp cho chúng số tiền bồi thường là 1 tỷ[233]? Đối với con mắt của người nông dân Pháp thì ngay bản thân sự tồn tại của tên địa chủ cũng đã là một sự xâm phạm đến những thành qủa của họ năm 1789 rồi. Năm 1848, bọn tư sản đã đánh vào mảnh đất của nông dân một khoản phụ thu 45 xăng-tim cho một phăng, nhưng chúng đã nhân danh cách mạng mà làm việc đó; bây giờ thì chúng lại gây ra một cuộc nội chiến chống cách mạng nhằm làm cho phần lớn khoản bồi thường 5 tỷ mà nó buộc phải trả cho Phổ, đổ lên đầu nông dân. Công xã, trái lại, trong một bản tuyên cáo đầu tiên của minh, đã tuyên bố rằng những kẻ đích danh gây ra chiến tranh phải chịu lấy gánh nặng của chiến tranh. Công xã tất sẽ cứu nông dân thoát khỏi thuế máu, đem lại cho nông dân một chính phủ ít tốn kém, thay thế những công chứng, luật sư, mõ tòa và bọn hút máu khác trong hệ thống tòa án hiện đang hút máu họ, bằng những nhân viên công xã ăn lương do chính bản thân họ bầu ra và chịu trách nhiệm trước họ. Công xã tất sẽ làm cho nông dân thoát khỏi sự độc đoán của bọn hương cảnh, hiến binh và quan lại địa phương; tất sẽ thay thế tên cha cố làm mê muội đầu óc họ bằng người thầy giáo mở mang trí óc cho họ. Người nông dân Pháp, trước hết, lại là người có đầu óc tính toán. Họ ắt phải thấy là hoàn toàn hợp lý nếu tiền trợ cấp trả cho bọn cha cố thì tùy ở lòng mộ đạo của con chiên, chứ không do người thu thuế bắt họ đóng góp. Đó là những lợi ích to lớn mà sự thống trị của Công xã - và chỉ của Công xã thôi- đã trực tiếp hứa với nông dân Pháp. Vậy ở đây, không cần phải nói nhiều về những vấn đề cụ thể phức tạp hơn và thực sự thiết thân, mà chỉ có Công xã mới có thể và bắt buộc phải giải quyết vì lợi ích của nông dân: vấn đề nợ cầm cố đang đè nặng như một cơn ác mộng lên mảnh đất của người nông dân, vấn đề prolétariat foncier (giai cấp vô sản nông thôn) ngày càng tăng số lượng, vấn đề bản thân nông dân bị tước đoạt một cách nhanh chóng hơn do sự phát triển của nông nghiệp hiện đại và do sự cạnh tranh của phương thức canh tác tư bản chủ nghĩa gây nên.

Nông dân Pháp đã bầu Lui Bô-na-pác-tơ làm tổng thống của nền cộng hòa, nhưng đảng trật tự lại lập nên Đế chế thứ hai. Cái mà thực ra nông dân cần đến thì chính họ đã bắt đầu chỉ ra trong những năng 1849 và 1850, khi họ đưa người xã trưởng của mình ra đối lập với tên thị trưởng do chính phủ bổ nhiệm, đem giáo viên của mình ra đối lập với bọn cha cố của chính phủ và đem bản thân mình ra đối lập với tên hiến binh của chính phủ. Tất cả những luật pháp do đảng trật tự ban bố hồi tháng Giêng và tháng Hai 1850[234] đều dùng để chống lại nông dân, như đảng đó đã thú nhận. Nông dân đi theo phái Bô-na-pác-tơ vì họ cho rằng cuộc đại cách mạng và những lợi ích mà nó đã đem lại cho họ, gắn liền với tên tuổi của Na-pô-lê-ông. Ảo tưởng đó đã tiêu tan nhanh chóng dưới Đế chế thứ hai. Thiên kiến ấy của quá khứ (về thực chất nó cũng đối địch với những nguyện vọng của "bọn nghị viện địa chủ") làm sao có thể cưỡng lại nổi lời Công xã kêu gọi bênh vực lợi ích thiết thân và nhu cầu cấp thiết của nông dân?

"Nghị viện địa chủ" biết rõ rằng (và đây thực ra cũng là điểm nó lo sợ nhất) nếu Pa-ri của các chiến sĩ Công xã liên lạc tự do được với các tỉnh thì trong 3 tháng sẽ nổ ra một cuộc khởi nghĩa của toàn thể nông dân; do đó chúng lo lắng vội vã phong tỏa Pa-ri bằng một vòng vây cảnh sát để ngăn bệnh dịch lan truyền ra.

Vậy nếu Công xã là đại biểu chân chính của tất cà những thành phần lành mạnh của xã hội Pháp, và do đó là chính phủ dân tộc chân chính thì do chỗ Công xã đồng thời là chính phủ của công nhân, là người chiến sĩ dũng cảm đấu tranh để giải phóng lao động, nên Công xã cũng hoàn toàn có đầy đủ tính chất quốc tế. Trước mắt quân đội Phổ, cái quân đội đã sáp nhập hai tỉnh của nước Pháp vào Đức, Công xã đã sáp nhập công nhân toàn thế giới về phía nước Pháp.

Đế chế thứ hai vốn là ngày hội của bọn bịp bợm khắp thế giới. Bọn vô lại ở tất cả các nước, theo tiếng gọi của nó, đều đổ xô đến tham gia các cuộc yến tiệc của nó và cướp bóc nhân dân Pháp. Ngay trong lúc đó, cánh tay phải của Chi-e là Gơ-nơ-scô, một tên vô lại người Va-la-xi-en, và cánh tay trái của hắn là Mác-cốp-xki, một tên gián điệp người Nga. Công xã đã nhận cho mọi người nước ngoài được vinh dự chết vì một sự nghiệp bất tử. Trong thời gian giữa cuộc chiến tranh chống ngoại xâm bị thất bại do sự phản bội của giai cấp tư sản và cuộc nội chiến do giai cấp đó cấu kết với bọn ngoại xâm gây nên, giai cấp tư sản đã có dịp phô trương tinh thần ái quốc của nó bằng cách tổ chức cho cảnh sát lùng bắt những người Đức trú ngụ trên toàn nước Pháp. Công xã đã bổ nhiệm một công nhân Đức[10*] làm bộ trưởng lao động của mình. Chi-e, giai cấp tư sản và Đế chế thứ hai đều thường xuyên lừa dối người Bà Lan bằng những lời tuyên bố ầm ĩ rằng chúng có cảm tình với họ, nhưng trong thực tế, chúng đã đem họ nộp cho nước Nga và đã phục vụ công việc bẩn thiu của nước Nga. Đối với những người con anh dũng của Ban Lan[11*], Công xã đã tỏ lòng tôn kính đưa họ ra đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo những người bảo vệ Pa-ri. Và để nêu cao kỷ nguyên lịch sử mới mà Công xã đã tự giác mở ra thì trước mắt một bên là bọn Phổ thắng trận, và một bên nữa là quân đội Bô-na-pác-tơ- do bọn tướng tá phái Bô-na-pác-tơ chỉ huy, Công xã đã phá đổ cột Văng-đôm[235], vật tượng trưng đồ sộ cho sự vinh quang trong chiến tranh.

Biện pháp xã hội lớn của Công xã là sự tồn tại của bản thân nó và hoạt động của nó. Những biện pháp riêng biệt của Công xã chỉ có thể cho thấy rõ xu hướng phát triển của sự cai quản nhân dân do chính nhân dân đảm nhiệm. Trong số những biện pháp ấy có: việc hủy bỏ việc làm đêm của thợ làm bánh mì; cấm chỉ- nếu không tuân theo thì phạt tiền- bọn thuê nhân công không được kiếm đủ các cớ để bớt lương công nhân bằng cách cúp phạt, một thủ đoạn chứng minh rằng bọn chủ vừa là kẻ lập pháp, vừa là kẻ xét xử vừa là kẻ thi hành luật pháp, nên bỏ túi được nhiều tiền phạt. Một biện pháp khác thuộc loại đó là giao lại cho các hội liên hiệp công nhân, với điều kiện bồi thường cho bọn chủ, tất cả những công thợ vả công xưởng đã đóng cửa, do bọn chủ đã bỏ đi hoặc tự ý đình chỉ công việc.

Những biện pháp tài chính của Công xã vừa khôn khéo vừa ôn hòa một cách tuyệt diệu chi có thể là những biện pháp thích hợp với tình hình một thành phố bị vây hãm. Vì dưới sự bảo trợ của Ô-xman[12*], các công ty ngân hàng lớn và bọn chủ thầu ngành xây dựng đã ăn cắp của công của Pa-ri, cho nên Công xã lại càng có quyền tịch thu tài sản của chúng hơn là Lui Bô-na-pác-tơ có quyền tịch thu tài sản của hoàng tộc Óoc-lê-ăng. Bọn hoàng tộc Hô-hen-txô-léc và bọn qúy tộc Anh mà phần lớn của cải của chúng đều do cướp bóc tài sản của giáo hội mà có, đương nhiên rất lấy làm tức giận Công xã dù Công xã chỉ tịch thu được của giáo hội tổng cộng có 8.000 phrăng thôi.

Trong lúc chính phủ Véc-xây, vừa mới hoàn hồn và được củng cố bắt đầu dùng những thủ đoạn tàn bạo nhất chống lại Công xã; trong lúc chính phủ đó xóa bỏ mọi quyền tự do ngôn luận trên khắp nước Pháp, thậm chí cấm đại biểu các thành phố lớn hội họp, trong lúc nó chăng ở Véc-xây và toàn nước Pháp một mạng lưới gián điệp còn rộng lớn hơn nhiều so với Đế chế thứ hai; trong lúc nó ra lệnh cho bọn hiến binh hung bạo của nó đốt hết tất cả những báo chí xuất bản ở Pa-ri và kiểm duyệt tất cả các thư từ đi và đến Pa-ri; trong lúc tại Quốc hội những lời phát biểu rụt rè nhất nhằm ủng hộ Pa-ri liền bị la ó át đi điều mà người ta chưa từng thấy ngay cả trong "chambre introuvable" năm 1816; trong lúc bọn Véc-xây không những chỉ tiến hành một cuộc chiến tranh khát máu chống Pa-ri mà còn ra sức tiến hành những thủ đoạn mua chuộc và âm mưu bên trong Pa-ri; - thì công xã làm sao lại có thể tuân theo những hình thức khuôn sáo mà chủ nghĩa tự do đòi hỏi, ở thời kỳ hoàn toàn hòa bình, nếu không muốn phản lại sứ mệnh của mình một cách đáng xấu hồ? Nếu chính phủ Công xã có cùng một tính chất như chính phủ Chi-e thì việc cấm các tờ báo của đảng trật tự ở Pa-ri, cũng như việc cấm các tờ báo của Công xã ở Véc-xây, là không có lý do nào cả.

Cố nhiên là bọn nghị sĩ trong "nghị viện địa chủ phát điên lên vì ngay trong lúc chúng tuyên bố việc trở lại với giáo hội là biện pháp duy nhất để cứu vãn nước Pháp thì Công xã vô thần đã vạch trần những bí mật khá đặc biệt của nữ tu viện Pích-pi-út và của nhà thờ Xanh Lau-ren[236]. Trong lúc Chi-e phân phát vung vãi huân chương Bắc đẩu bội tinh cho bọn tướng tá thuộc phái Bô-na-pác-tơ để thưởng tài chuyên thua trận, chuyên ký giấy đầu hàng và chuyên cuốn thuốc lá tại Vin-hem-huê-ơ[237] thì Công xã lại cách chức và bắt giam những tướng lĩnh của mình một khi họ bị nghi là chểnh mảng nhiệm vụ, - đối với Chi-e, như thế hóa chẳng phải là một sự mỉa mai cay đắng hay sao? Khi Công xã đuổi ra khỏi hàng ngũ và ra lệnh bắt giam một ủy viên của mình[13*] vì hắn đã chui vào Công xã dưới một cái tên giả và nguyên trước ở Li-ông hắn đã bị bắt giam 6 ngày về tội vỡ nợ, như thế há không phải là một cái tát vào mặt tên giả mạo giấy tờ Giuy-lơ Pha-vrơ vẫn đảm nhiệm chức bộ trưởng Bộ ngoại giao nước Pháp, vẫn đang bán nước Pháp cho Bi-xmác và vẫn ra lệnh cho chính phủ kiểu mẫu kia của nước Bỉ, hay sao? Nhưng công xã không hề tự cho mình là không bao giờ sai lầm, như tất cả các chính phủ cũ vẫn thường tự nhận là như thế. Công xã công bố tất cả những báo cáo hội nghị của mình, thông báo tất cả những hoạt động của mình, nói cho công chúng biết tất cả những khuyết điểm của mình.

Trong bất cứ cuộc cách mạng nào, bên cạnh những đại biểu chân chính của nó, đều có những nhân vật thuộc một loại khác. Một mặt, đó là những kẻ đã tham gia và quá tôn sùng các cuộc cách mạng cũ; không hiểu nổi ý nghĩa của phong trào hiện tại, họ vẫn còn có một ảnh hưởng lớn đối với nhân dân do lòng trung thực của họ mà mọi người đều biết và do chí khí anh dũng của họ, hoặc chỉ do tập quán mà thôi; mặt khác, đó chỉ là những kẻ khoác lác nhờ năm này qua năm khác cứ lặp đi lặp lại vẫn một chuỗi câu tuyên bố giống hệt như nhau chống lại chính phủ hiện tồn mà được tiếng là những nhà cách mạng bậc nhất. Cả sau ngày 18 tháng Ba, cũng xuất hiện một vài nhân vật thuộc loại ấy, và đôi khi họ cũng đạt tới chỗ giữ vững vai trò rất quan trọng. Tùy theo khả năng của họ, họ đã cản trở hoạt động chân chính của giai cấp công nhân, cũng hệt như họ đã càn trở sự phát triển hoàn toàn của mọi cuộc cách mạng trước kia. Họ là tai họa không thể tránh khỏi; với thời gian, người ta sẽ gạt bỏ được họ, nhưng Công xã lại không có được thời gian ấy.

Công xã đã thay đổi bộ mặt của Pa-ri một cách kỳ diệu biết bao! Không hề còn dấu vết gì của Pa-ri hoang dâm dưới thời Đế chế thứ hai nữa. Thủ đô nước Pháp không còn là nơi gặp gỡ của bọn địa chủ Anh, của bọn Ai-rơ-len, vắng mặt[238], của bọn Mỹ nguyên là chủ nô lệ và nhà giầu mới nhất, của bọn nguyên là chủ nô Nga và của bọn quý tộc Va-la-xi-en. Không còn có xác chết vô thừa nhận tại nhà xác nữa, không còn có những vụ cướp giật ban đêm nữa, hầu như không còn có trộm cắp nữa. Lần đầu tiên, từ tháng Hai 1848, các đường phố Pa-ri được an toàn mặc dù không có một cảnh sát nào cả.

"chúng tôi",- một uỷ viên Công xã nói:không còn nghe nói đến những vụ giết người, trộm cướp và gây sự đánh người nữa dường như cảnh sát đã mang theo đến Véc-xãy lật cả cái đám bạn bè bảo thủ của chúng".

Bọn gái giang hồ đã đi theo gót bọn bảo hộ họ, tức là bọn bảo vệ gia đình, bảo vệ tôn giáo và chủ yếu là bảo vệ tài sản, đã bỏ chạy. Thay vào bọn chúng, những phụ nữ chân chính của Pa-ri lại xuất hiện, anh hùng, cao quý và tận tâm như những phụ nữ thời cổ điển. Một Pa-ri lao động, suy nghĩ, chiến đấu, đổ máu, nhưng rạng rỡ trong niềm hào hứng sáng tạo lịch sử mà hớn hở mải mê xây dựng xã hội mới, hầu như quên mất bọn ăn thịt người đang ở ngay cửa ngõ của mình!

Đối diện với cái thế giới mới đó ở Pa-ri, là thế giới cũ ở Véc-xây- một bầy quỷ hút máu thuộc hết thảy mọi chế độ đã tiêu vong của phái chính thống và của phái Oóc-lê-ăng rất thèm khát rỉa rói thi thể nhân dân,- với một cái đuôi gồm bọn cộng hòa hủ lậu thời thái cổ, tức là bọn mà sự có mặt của chúng trong Quốc hội là sự ủng hộ cuộc phiến loạn của bọn chủ nô, là bọn hy vọng bảo vệ nền cộng hòa đại nghị bằng cái hư danh của một anh hề già được đưa lên cầm đầu nền cộng hòa đó, là bọn đã mô phỏng năm 1789 bằng tụ tập những bóng ma của quá khứ đến hội họp tại Giê-đơ-pôm[14*]. Hội nghị đó, đại biểu của tất cả những cái gì đã chết ở Pháp, chỉ có dựa vào thanh kiếm của bọn tướng tá của Lui Bô-na-pác-tơ mới có thể duy trì được cuộc sống hư ảo của mình. Pa-ri hoàn toàn là chân lý; Véc-xây hoàn toàn là man trá; và kẻ cồ súy sự man trá đó chính là Chi-e.

Chi-e đã từng nói với một đoàn đại biểu các xã trưởng vùng Xen và Oa-dơ như sau:

"Các ông có thể tin vào lời nói của tôi: Tôi Chưa bao giờ nuốt lời hứa!"

Hắn đã nói với Quốc hội rằng "Quốc hội có một tinh thần tự do nhất và đã được bầu ra một cách tự do nhất từ xưa đến nay ở Pháp"; hắn nói với quân đội tạp nham của hắn rằng quân đội đó là "kỳ quan của thế giới và là quân đội ưu tú nhất từ xưa đến nay ở Pháp"; hắn nói với cái tỉnh rằng hắn không ra lệnh bắn phá Pa-ri, rằng đó chỉ là một chuyện bịa đặt:

"Nếu có tiếng nổ của một vài phát đại bác thì đó không phải là do quân đội Véc-xây bắn mà là do một vài kẻ phiến loạn bắn đề làm cho người ta tưởng lầm rằng họ chiến đấu, mặc dù trong thực tế họ không hề dám ló mặt ra".

Hắn còn nói với các tỉnh rằng:

"Pháo binh Véc-xây không dội đạn trái phá vào Pa-ri, mà chỉ có pháo kích vào đó thôi".

Hắn nói với Tổng giám mục Pa-ri rằng tất cả những vụ bắn giết và đàn áp(?) mà người ta gán cho Véc-lây chẳng qua chỉ là những lời nói dối trá. Hắn nói với Pa-ri rằng hắn chỉ muốn "cứu Pa-ri khỏi những tay bạo chúa đáng ghét đang áp bức Pa-ri", rằng cái Pa-ri của Công xã kia "chẳng qua chỉ là một nhúm tội phạm mà thôi".

Pa-ri của Chi-e không phải là Pa-ri thực sự của "đám dân đen" mà là một Pa-ri hư ảo, Pa-ri của bọn francs-fileurs[239], Pa-ri của bọn nam nữ chơi rong ngoài đại lộ, Pa-ri giàu có, tư bản chủ nghĩa, vàng son, lười biếng; cái Pa-ri hiện đang làm cho Véc-xây, Xanh-dơ-ni, Ruy-ây và Xanh - Giéc-manh đầy rẫy những tên nô bộc, những tay biển thủ, đám văn sĩ phóng đãng và gái giang hồ của nó; cái Pa-ri coi cuộc nội chiến chỉ là một màn phụ thú vị, nó nheo mắt nhìn chiến trận đang diễn ra qua ống nhòm, nó đếm các phát đại bác bắn ra và lấy danh dự của bản thân mình và danh dự bọn gái đĩ của mình mà thề rằng cái vở kịch diễn ra ở đây tuyệt diệu hơn nhiều so với vở kịch diễn ra ở nhà hát Poóc-tơ Xanh Mác-tanh. Những người ngã xuống thì chết thật sự, tiếng kêu của những người bị thương không phải là những tiếng đóng kịch; và bi kịch diễn ra trước mặt bọ là một bi kịch lịch sử toàn thế giới.

Cái Pa-ri của ngài Chi-e là như thế đó, cũng giống hệt như bọn lưu vong ở Cô-blen-txơ là nước Pháp của ngài Ca-lôn-nơ[240].


[Chương trước]   [Mục lục]   [Chương tiếp theo]


Chú thích

[1*]. "Công xã muôn năm!"

[2*]. Trong bản tiếng Đức xuất bản năm 1871, đoạn cuối câu này có thay đôi một chút: "thì chính quyền nhà nước càng có tính chất là một chính quyền xã hội để áp bức lao động, và càng có tính chất là một bộ máy chống trị giai cấp"

[3*]. Trong các bản tiếng Đức xuất bản năm 1871 và 1891 không có chữ "thường trực".

[4*]. Trong các bản tiếng Đức xuất bản năm 1871 và 1891, các chữ "chính phủ của giai cấp công nhân" đều in nghiêng.

[5*]. bằng sắc lệnh của nhân dân

[6*]. Trong các bản tiếng Đức xuất bản năm 1871 và 1891 tiếp sau đó có thêm mấy chữ "của các giai cấp hữu sản".

[7*]. Trong các bản tiếng Đức tiếp sau đó có thêm mấy chữ "(giáo sư Hớt-xli)".

[8*]. hội những người anh em dốt nát

[9*]. bọn phóng đãng, bè lũ

[10*]. Lê-ô Phran-ken

[11*]. Đôm-brốp-xki và Vru-bơ-lép-xki

[12*]. Nam tước Ô-xman (Haussmann) là tình trưởng tỉnh Xen, nghĩa là thành phố Pa-ri, dưới thời Đế chế thứ hai ông ta đã tiến hành một số công trình xây dựng những phố mới...nhằm làm giảm bớt khó khăn cho việc đấu tranh chống các cuộc nổi dậy của công nhân. (Chú thích viết cho bản tiếng Nga xuất bản năm 1905 dưới sự chủ biên của V.I. Lê-nin.)

[13*]. Blăng-sê

[14*]. phòng đánh cầu, nơi mà năm 17889 Quốc hội đã thông qua quyết nghị nổi tiếng của mình. (Chú thích của Ăng-ghen viết cho lần xuất bản bằng liếng Đức năm 1871.)