Chủ nghĩa xã hội phản động
Chủ nghĩa xã hội bảo thủ hay chủ nghĩa xã hội tư sản
Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không tưởng - phê phán
A. Chủ nghĩa xã hội phong kiến
Do địa vị lịch sử của họ, quý tộc Pháp và Anh đã có sứ mệnh viết những bài văn châm biếm đả kích xã hội tư sản hiện đại. Trong cuộc Cách mạng Pháp hồi tháng 7 năm 1830, trong phong trào cải cách ở Anh, các giai cấp quý tộc ấy, một lần nữa, lại ngã gục dưới những đòn đả kích của những kẻ bạo phát đáng ghét. Đối với quý tộc thì không thể còn có vấn đề đấu tranh chính trị thật sự được nữa, họ chỉ có cách đấu tranh bằng văn học mà thôi. Nhưng ngay cả trong lĩnh vực văn học cũng không thể dùng cái luận điệu cũ rích của thời kỳ phục tích[12] được nữa. Muốn gây được thiện cảm, quý tộc làm ra vẻ không nghĩ đến lợi ích riêng của mình và lập bản cáo trạng lên án giai cấp tư sản, chỉ là vì lợi ích của giai cấp công nhân bị bóc lột mà thôi. Làm như thế, họ tự giành cho họ cái điều vui thú làm vè chế diễu người chủ mới của họ và ri rỉ bên tai người này những lời tiên tri không tốt lành này khác.
Chủ nghĩa xã hội phong kiến đã ra đời như thế đó là một mớ hỗn hợp những lời ai oán với những lời mỉa mai dư âm của dĩ vãng và tiếng đe doạ cuả tương lai. Tuy đôi khi lời công kích chua chát sâu cay hóm hỉnh của nó đập đúng vào tim gan của giai cấp tư sản, nhưng việc nó hoàn toàn bất lực không thể hiểu được tiến trình của lịch sử hiện đại, luôn luôn làm cho người ta cảm thấy buồn cười.
Các ngài quý tộc đã giương cái bị ăn mày của kẻ vô sản lên làm cờ để lôi kéo nhân dân theo họ, nhưng nhân dân vừa chạy lại thì trông thấy ngay những phù hiệu phong kiến cũ đeo sau lưng họ, thế là nhân dân liền tản đi và phá lên cười một cách khinh bỉ.
Một bộ phận của phái chính thống Pháp và phái " Nước Anh trẻ " đã diễn tấn hài kịch ấy.
Khi những người bênh vực chế độ phong kiến chứng minh rằng phương thức bóc lột phong kiến không giống phương thức bóc lột của giai cấp tư sản thì họ chỉ quên có một điều là chế độ phong kiến bóc lột trong hoàn cảnh và những điều kiện khác hẳn và hiện đã lỗi thời. Khi họ vạch ra rằng dưới chế độ phong kiến, không có giai cấp vô sản hiện đại thì họ chỉ quên có một điều là giai cấp tư sản chính là một sản phẩm tất nhiên của chế độ xã hội của họ.
Vả lại, họ rất ít che đậy tính chất phản động của những lời chỉ chích của họ, cho nên lời lẽ chủ yếu mà họ dùng để buộc tội giai cấp tư sản thì chính là cho rằng dưới sự thống trị của nó, giai cấp tư sản đảm bảo sự phát triển cho một giai cấp sẽ làm nổ tung toàn bộ trật tự xã hội cũ.
Họ buộc tội giai cấp tư sản đã hy sinh ra một giai cấp vô sản cách mạng, nhiều hơn là buộc tội giai cấp đó đã sinh ra giai cấp vô sản nói chung.
Cho nên, trong hoạt động chính trị, họ tích cực tham gia vào tất cả những biện pháp bạo lực chống giai cấp công nhân. Và trong đời sống hàng ngày của họ, mặc dù những lời hoa mỹ trống rỗng của họ, họ vẫn không bỏ qua cơ hội để lượm lấy những quả táo bằng vàng[13] và đem lòng trung thành, tình yêu và danh dự mà đổi lấy việc buôn bán len, củ cải đường, và rượu mạnh.[14]
Cũng hệt như thầy tu và chúa phong kiến luôn luôn tay nắm tay cùng đi với nhau, chủ nghĩa xã hội thầy tu cũng đi sát cánh với chủ nghĩa xã hội phong kiến.
Không có gì dễ hơn là phủ lên chủ nghĩa khổ hạnh của đạo Cơ Đốc một lớp sơn chủ nghĩa xã hội, đạo Cơ Đốc chẳng phải đã cực lực phản đối chế độ tư hữu, hôn nhân và nhà nước đó sao? Và thay tất cả những cái đó, đạo Cơ Đốc chẳng phải đã tuyên truyền việc làm phúc và sự khổ hạnh, cuộc sống độc thân và chủ nghĩa cấm dục, cuộc sống tu hành và nhà thờ đó sao? Chủ nghĩa xã hội Cơ Đốc chẳng qua chỉ là thứ nước thánh mà thầy tu dùng để xức cho nỗi hờn giận của quý tộc mà thôi.
B. Chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản.
Giai cấp quý tộc phong kiến không phải là giai cấp duy nhất đã bị giai cấp tư sản làm phá sản; nó không phải là giai cấp duy nhất có những điều kiện sinh hoạt đang tàn lụi và tiêu vong trong xã hội tư sản hiện đại. Những người thị dân và tiểu nông thời trung cổ là những tiền bối của giai cấp tư sản hiện đại. Trong những nước mà công nghiệp và thương nghiệp phát triển kém hơn, giai cấp đó tiếp tục sống lay lắt bên cạnh giai cấp tư sản thịnh vượng.
Trong những nước mà nền văn minh hiện đại đương phát triển thì đã hình thành một giai cấp tiểu tư sản mới, ngả nghiêng giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản; là bộ phận bổ sung của xã hội tư sản, nó cứ luôn luôn được hình thành trở lại; nhưng vì sự cạnh tranh, những cá nhân hợp thành giai cấp ấy cứ luôn luôn bị đẩy xuống hàng ngũ của giai cấp vô sản và hơn nữa là sự phát triển tiến lên của đại công nghiệp, họ thấy rằng đã gần như đến lúc họ sẽ hoàn toàn biến mất với tính cách và bộ phận độc lập của xã hội hiện đại, và trong thương nghiệp, trong công nghiệp và trong nông nghiệp, họ sẽ nhường chỗ cho những đốc công và nhân viên làm thuê.
Trong những nước như nước Pháp, ở đó nông dân chiếm quá nửa dân số thì tự nhiên đã xuất hiện những nhà văn đứng về giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, nhưng đã dùng cái thước đo tiểu tư sản và tiểu nông trong việc phê phán chế độ tư sản, và đã xuất phát từ những quan điểm tiểu tư sản mà bênh vực sự nghiệp của công nhân. Chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản đã được hình thành như thế đó. Xi-xmôn-đi là lãnh tụ của thứ văn học đó, không những ở Pháp mà cả ở Anh nữa.
Chủ nghĩa xã hội ấy phân tích rất sâu sắc những mâu thuẫn gắn liền với những quan hệ sản xuất hiện đại. Nó vạch trần những lời ca tụng giả dối của những nhà kinh tế học. Nó chứng minh một cách không thể bác bỏ được những tác dụng phá hoại của nền sản xuất máy móc và của sự phân công lao động, sự tập trung tư bản và ruộng đất, sự sản xuất thừa, các cuộc khủng hoảng, sự sa sút không tránh được của những người tiểu tư sản và nông dân, sự cùng khổ của giai cấp vô sản, tình trạng vô chính phủ trong sản xuất, tình trạng bất công khá rõ rệt trong sự phân phối của cải, chiến tranh công nghiệp có tính chất huỷ diệt giữa các dân tộc, sự tan rã của đạo đức cũ, của những quan hệ gia đình cũ, của những tính chất dân tộc cũ.
Nhưng xét về nội dung chân thực của nó, thì hoặc là chủ nghĩa xã hội này muốn khôi phục lại những tư liệu sản xuất và phương tiện trao đổi cũ, và cùng với những cái đó, cũng khôi phục lại cả những quan hệ sở hữu cũ và toàn xã hội cũ, hoặc là nó muốn biết những tư liệu sản xuất và những phương tiện trao đổi hiện đại phải khuôn theo cái khuôn khổ chật hẹp của những quan hệ sở hữu cũ, của những quan hệ đã bị và tất phải bị những công cụ ấy đập tan. Trong cả hai trường hợp, chủ nghĩa xã hội này vừa là phản động vừa là không tưởng.
Chế độ phường hội trong công nghiệp, chế độ gia trưởng trong nông nghiệp đó là cái đích tột cùng của nó.
Trong sự phát triển về sau của nó, trào lưu này đã biến thành những lời oán thán hèn nhát[15].
C. Chủ nghĩa xã hội đức hay chủ nghĩa xã hội "chân chính"
Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa của nước Pháp, sinh ra dưới áp lực của một giai cấp tư sản thống trị, biểu hiện văn học của sự phản kháng chống lại nền thống trị ấy, thì được đưa vào nước Đức giữa lúc giai cấp tư sản bắt đầu đấu tranh chống chế độ chuyên chế phong kiến.
Các nhà triết học, các nhà triết học nửa mùa và những kẻ tài hoa ở Đức hăm hở đổ xô vào thứ văn học ấy, những có điều họ quên rằng văn học Pháp được nhập khẩu vào Đức, song những điều kiện sinh hoạt của nước Pháp lại không đồng thời được đưa vào Đức. Đối với những điều kiện sinh hoạt ở Đức, văn học Pháp ấy, đã mất hết ý nghĩa thực tiễn trực tiếp và chỉ còn mang một tính chất thuần tuý văn chương mà thôi. Nó ắt phải có tính chất của một sự tự biện vô vị về sự hiện diện bản tính của con người. Chẳng hạn, đối với những nhà triết học Đức hồi thế kỷ XVIII, những yêu sách của cách mạng Pháp lần thứ nhất chỉ là những yêu sách của những "lý tính thực tiễn" nói chung; và theo con mắt của họ, những biểu hiện của ý chí của những người tư sản cách mạng Pháp chỉ biểu hiện những quy luật của ý chí thuần tuý, của ý chí đúng như nó phải tồn tại, của ý chí thật sự con người.
Công việc độc nhất của các nhà văn Đức là điều hoà những tư tưởng mới của Pháp với ý thức triết học của mình, hay nói cho đúng hơn, là lĩnh hội những tư tưởng của Pháp bằng cách xuất phát từ quan điểm triết học của mình.
Họ đã lĩnh hội những tư tưởng ấy như người ta lĩnh hội một thứ tiếng ngoại quốc thông qua phiên dịch.
Ai cũng biết bọn thầy tu đã đem những chuyện hoang đường vô lý về các thánh Thiên chúa giáo ghi đầy những bản thảo các tác phẩm cổ điển thời cổ dị giáo như thế nào. Đối với văn học Pháp không có tính chất tôn giáo thì các nhà văn học Đức đã làm ngược lại. Họ luồn những điều vô lý về triết học của họ vào trong nguyên bản Pháp. Thí dụ, trong đoạn phê phán của Pháp đối với quan hệ tiền bạc thì họ lồng vào đó những chữ: "sự tha hoá của nhân tính"; trong đoạn phê phán của Pháp đối với nhà nước tư sản thì họ lại lồng vào đó dòng chữ: "việc xoá bỏ sự thống trị của tính Phổ biến - Trừu tượng",v.v...
Việc thay thế triết học của Pháp bằng những lời lẽ triết học rỗng tuyếch ấy, họ gọi là "triết học của hành động"; là "chủ nghĩa xã hội chân chính", là "khoa học Đức về chủ nghĩa xã hội",v.v...
Như thế là văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa Pháp đã bị hoàn toàn cắt xén. Và vì trong tay người Đức, văn học ấy không còn là biểu hiện của cuộc đấu tranh của một giai cấp này chống một giai cấp khác nữa, cho nên họ lấy làm đắc ý là đã vượt lên trên "tính phiến diện của Pháp"; là đã bảo vệ không phải những nhu cầu thật sự, mà là nhu cầu về chân lý; không phải những lợi ích của người vô sản, mà là những lợi ích của bản tính con người, của con người nói chung, của con người không thuộc giai cấp nào, cũng không thuộc một thực tại nào, của con người chỉ tồn tại trong một bầu trời mây mù của ảo tưởng triết học mà thôi.
Chủ nghĩa xã hội Đức ấy coi trọng những trò luyện tập vụng về của học sinh của mình một cách hết sức trịnh trọng, và phô trương những trò ấy một cách om sòm kiểu bán thuốc rong, nhưng rồi cũng mất dần tính ngây thơ thông thái rởm của mình.
Cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản Đức và nhất là của giai cấp tư sản Phổ chống phong kiến và chế độ quân chủ chuyên chế, tóm lại là phong trào của phái tự do, ngày càng trở nên nghiêm túc hơn.
Thành thử chủ nghĩa xã hội "chân chính" đã được cơ hội mà nó mong mỏi từ lâu, để đem những yêu sách xã hội chủ nghĩa ra đối lập với phong trào chính trị. Nó đã có thể tung ra những lời nguyền rủa cổ truyền chống lại chủ nghĩa tự do, chế độ đại nghị, sự cạnh tranh tư sản, tự do báo chí tư sản, pháp quyền tư sản, tự do và bình đẳng tư sản; nó đã có thể tuyên truyền cho quần chúng rằng trong phong trào tư sản ấy, quần chúng không được gì cả, trái lại còn mất tất cả. Chủ nghĩa xã hội Đức đã quên rất đúng lúc rằng sự phê phán của Pháp, mà chủ nghĩa xã hội Đức là một tiếng vọng nhạt nhẽo, giả định là phải có xã hội tư sản hiện đại cùng với những điều kiện sinh hoạt vật chất tương ứng với xã hội đó và một cơ cấu chính trị thích hợp - tức là tất cả những tiền đề mà nước Đức chính là vẫn đang phải giành lấy.
Đối với nghững chính phủ chuyên chế ở Đức, cùng đám tuỳ tùng của chúng là những thầy tu, thầy giáo, bọn gioong-ke hủ lậu và quan lại thì chủ nghĩa xã hội này đã trở thành một thứ ngoáo ộp hằng ao ước để chống lại giai cấp tư sản đang là một mối lo đối với chúng.
Chủ nghĩa xã hội ấy đã đem cái lối giả nhân giả nghĩa đường mật của nó bổ xung cho roi vọt và súng đạn mà những chính phủ ấy đã dùng để chấn áp những cuộc khởi nghĩa của công nhân Đức.
Nếu chủ nghĩa xã hội "chân chính" do đó đã trở thành vũ khí trong tay các chính phủ để chống lại giai cấp tư sản Đức thì ngoài ra, nó lại còn trực tiếp đại biểu cho một lợi ích phản động, lợi ích của giai cấp tiểu tư sản Đức. Giai cấp những người tiểu tư sản, do thế kỷ XVI truyền lại và từ bấy tới nay, luôn luôn tái sinh dưới nhiều hình thức khác nhau, là cơ sở xã hội thật sự của chế độ đã thiết lập ở Đức.
Duy trì giai cấp ấy, là duy trì ở Đức chế độ hiện hành. Sự thống trị về công nghiệp và chính trị của giai cấp tư sản đang đe doạ đẩy giai cấp tiểu tư sản ấy đến nguy cơ chắc chắn phải suy sụp, một mặt do sự tập trung tư bản và mặt khác do sự xuất hiện giai cấp vô sản cách mạng. Đối với giai cấp tiểu tư sản, chủ nghĩa xã hội "chân chính" hình như có thể làm một công đôi việc.
Cho nên chủ nghĩa xã hội chân chính đã lan ra như một bệnh dịch.
Bọn xã hội chủ nghĩa Đức đã đem những tấm mạng nhện tự biện ra làm thành một cái áo rộng thùng thình thêu đầy những bông hoa từ chương mịn màng và thấm đầy những giọt sương tình cảm nóng hổi, rồi đem loại áo ấy khoác lên "những chân lý vĩnh cửu" gầy còm của họ, điều đó làm cho món hàng của họ càng được tiêu thụ mạnh trong đám khách hàng như vậy.
Còn về phần chủ nghĩa xã hội Đức thì nó dần dần hiểu rõ thêm rằng sứ mệnh của nó là làm đại diện khoa chương cho bọn tiểu tư sản ấy.
Nó tuyên bố rằng dân tộc Đức là một dân tộc mẫu mực và người phi-li-xtanh Đức là một con người mẫu mực. Tất cả những cái xấu xa của những người mẫu mực ấy được nó gán cho một ý nghĩa thần bí, một ý nghĩa cao cả và xã hội chủ nghĩa, khiến cho những cái ấy biến thành những cái ngược hẳn lại. Nhất quán một cách triệt để, nó phản đối xu hướng chủ nghĩa cộng sản muốn "Phá huỷ một cách tàn bạo", và tuyên bố rằng mình vô tư đứng ở trên tất cả mọi cuộc đấu tranh giai cấp. Trừ một số rất ít, còn thì tất cả những tác phẩm tự xưng là xã hội chủ nghĩa ấy hay cộng sản chủ nghĩa lưu hành ở Đức, đều thuộc vào loại văn học bẩn thỉu và làm suy yếu con người ấy[16].
Một bộ phận giai cấp tư sản tìm cách chữa các căn bệnh xã hội, cốt để củng cố xã hội tư sản.
Trong hạng này, có những nhà kinh tế học, những nhà bác ái, những nhà nhân đạo chủ nghĩa, những người chăm lo cuộc cải thiện đời sống cho giai cấp lao động, tổ chức việc từ thiện, bảo vệ súc vật, lập ra những hội bài trừ nạn nghiện rượu, nói tóm lại là đủ loại những nhà cải lương hèn kém nhất. Và thậm chí người ta đã xây dựng chủ nghĩa xã hội tư sản này thành một hệ thống hoàn bị.
Lấy một ví dụ là quyển "Triết học về sự khốn cùng" của Pru-đông.
Những nhà xã hội chủ nghĩa tư sản muốn duy trì những điều kiện sinh hoạt của xã hội hiện đại, mà không có những cuộc đấu tranh và những mối nguy hiểm do những điều kiện sinh hoạt ấy nhất định phải sản sinh ra. Họ muốn duy trì xã hội hiện đại nhưng được đẩy trừ hết những yếu tố đảo lộn và làm tan rã nó. Họ muốn có giai cấp tư sản mà không có giai cấp vô sản. Giai cấp tư sản tất nhiên quan niệm cái thế giới mà nó đang thống trị là thế giới tốt đẹp hơn cả. Chủ nghĩa xã hội tư sản đem hệ thống hoá ít nhiều triệt để cái quan niệm an ủi lòng người ấy. Khi chủ nghĩa xã hội tư sản bắt giai cấp vô sản phải thực hiện những hệ thống ấy của nó và bước vào thành Giê-ru-da-lem mới, thì thực ra, nó chỉ kêu gọi giai cấp vô sản bám lấy xã hội hiện tại, nhưng phải bỏ hết quan niệm thù hằn của họ đối với xã hội ấy.
Một hình thức khác của chủ nghĩa xã hội, ít có hệ thống hơn, nhưng lại thực tiễn hơn, cố làm cho công nhân chán ghét mọi phong trào cách mạng, bằng cách chứng minh cho họ thấy rằng không phải sự cải biến chính trị này khác, mà chỉ có sự cải tiến về điều kiện sinh hoạt vật chất, về quan hệ kinh tế mới có thể có lợi cho công nhân mà thôi. Song nói sự cải biến điều kiện sinh hoạt vật chất, chủ nghĩa xã hội ấy không hề hiểu đó là sự xoá bỏ những quan hệ sản xuất tư sản, một sự xoá bỏ mà chỉ có cách mạng mới có thể làm nổi; nó chỉ hiểu đó là sự thực hiện những cải cách về hành chính ngay trên cơ sở những quan hệ sản xuất tư sản, những cải cách do đó không làm thay đổi chút nào những quan hệ giữa tư bản và lao động làm thuê nhiều lắm thì cũng chỉ làm cho giai cấp tư sản giảm được những chi phí cho việc thống trị của nó làm cho ngân sách nhà nước được nhẹ gánh mà thôi.
Chủ nghĩa xã hội tư sản chỉ đạt được biểu hiện thích đáng của nó, khi nó trở thành một lối nói từ chương đơn thuần.
Mậu dịch tự do, vì lợi ích của giai cấp công nhân! thuế quan bảo hộ, vì lợi ích của giai cấp công nhân! nhà tù xà lim, vì lợi ích của giai cấp công nhân! đó là cái đích tột cùng của chủ nghĩa xã hội xã hội tư sản, điều duy nhất mà Nó nói ra một cách nghiêm túc.
Vì chủ nghĩa xã hội tư sản nằm gọn trong lời khẳng định này: sở dĩ những người tư sản là những người tư sản, đó là vì lợi ích của giai cấp công nhân.
Đây không phải là nói đến một loại văn học đã đề ra, trong tất cả các cuộc cách mạng hiện đại, những yêu sách của giai cấp vô sản (tác phẩm của Ba-bớp...).
Những mưu đồ trực tiếp đầu tiên của giai cấp vô sản để thực hiện những lợi ích giai cấp của chính mình, tiến hành trong thời kỳ sôi sục khắp nơi, trong thời kỳ lật đổ xã hội phong kiến, thì nhất định phải thất bại, vì bản thân giai cấp vô sản đang ở trong tình trạng manh nha, cũng như vì họ không có những điều kiện vật chất để tự giải phóng, những điều kiện mà chỉ có thời đại tư sản mới sản sinh ra thôi. Văn học cách mạng đi kèm theo những phong trào đầu tiên ấy của giai cấp vô sản, không thể không có một nội dung phản động. Nó tuyên truyền chủ nghĩa khổ hạnh phổ biến và chủ nghĩa bình quân thô thiển.
Những hệ thống xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa chính tông, những hệ thống của Xanh-Xi-Mông, của Phu-ri-ê, của ô-oen,v.v..., đều xuất hiện trong thời kỳ đầu, chưa phát triển của cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, tức là thời kỳ đã được mô tả ở trên (xem mục "Tư sản và vô sản").
Những người phát sinh ra những hệ thống ấy, thực ra, đều thấy rõ sự đối kháng giữa các giai cấp, cũng như thấy rõ tác dụng của những yếu tố phá hoại nằm ngay trong bản thân xã hội thống trị. Song những người đó lại không thấy những điều kiện vật chất cần cho sự giải phóng của giai cấp vô sản, và cứ đi tìm một khoa học xã hội, những quy luật xã hội, nhằm mục đích tạo ra những điều kiện ấy.
Họ lấy tài ba cá nhân của họ để thay thế cho hoạt động xã hội, lấy những điều kiện tưởng tượng thay thế cho những điều kiện lịch sử của sự giải phóng; đem một tổ chức xã hội do bản thân họ hoàn toàn tạo ra, thay thế cho sự tổ chức một cách tuần tự và tự phát giai cấp vô sản thành giai cấp. Đối với họ, tương lai của thế giới sẽ được giải quyết bằng cách tuyên truyền và thực hành những kế hoạch tổ chức xã hội của họ.
Tuy nhiên, trong khi đặt ra những kế hoạch ấy, họ cũng có ý thức bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân trước hết, vì giai cấp công nhân là giai cấp đau khổ nhất. Đối với họ, giai cấp vô sản chỉ tồn tại với tư cách là giai cấp đau khổ nhất.
Nhưng hình thức chưa phát triển của cuộc đấu tranh giai cấp, cũng như địa vị xã hội của bản thân họ, làm cho họ tự coi là đứng hẳn ở trên mọi đối kháng giai cấp. Họ muốn cải thiện điều kiện sinh hoạt vật chất cho hết thảy mọi thành viên trong xã hội, kể cả những kẻ đã được hưởng những điều kiện tốt nhất. Cho nên họ luôn luôn kêu gọi toàn thể xã hội, không có phân biệt gì cả và thậm chí họ còn chủ yếu kêu gọi giai cấp thống trị nhiều hơn. Theo ý kiến của họ thì chỉ cần hiểu hệ thống của họ là có thể thừa nhận rằng đó là kế hoạch hay hơn hết trong tất cả mọi kế hoạch về một xã hội tốt đẹp hơn hết trong tất cả mọi xã hội.
Vì vậy, họ cự tuyệt mọi hành động chính trị và nhất là mọi hành động cách mạng, họ tìm cách đạt mục đích của họ bằng những phương pháp hoà bình, và thử mở một con đường đi tới một kinh Phúc âm xã hội mới bằng hiệu lực của sự nêu gương, bằng những thí nghiệm nhỏ, cố nhiên những thí nghiệm này luôn luôn thất bại.
Trong thời kỳ mà giai cấp vô sản còn ít phát triển, còn nhìn địa vị của bản thân mình một cách cũng ảo tưởng, thì bức tranh ảo tưởng về xã hội tương lai là phù hợp với những nguyện vọng bản năng đầu tiên của công nhân muốn hoàn toàn cải biến xã hội.
Nhưng trong những trước tác xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa đó cũng có những yếu tố phê phán. Những trước tác ấy đả kích toàn bộ cơ sở của xã hội đương thời. Do đó, chúng đã cung cấp được những tài liệu rất có giá trị để soi sáng ý thức của công nhân. Những đề nghị tích cực của những trước tác ấy về xã hội tương lại, chẳng hạn, việc thủ tiêu sự đối kháng giữa thành thị và nông thôn[17], xoá bỏ gia đình, xoá bỏ sự thu lợi nhuận cá nhân và lao động làm thuê, tuyên bố sự hoà hợp xã hội và sự cải tạo nhà nước thành một cơ quan đơn thuần quản lý sản xuất, tất cả những luận điểm ấy chỉ mới báo trước rằng đối kháng giai cấp tất phải mất đi, nhưng đối kháng giai cấp này chỉ mới bắt đầu xuất hiện, và những nhà sáng lập ra các học thuyết cũng chỉ mới biết những hình thức đầu tiên không rõ rệt và lờ mờ của nó thôi. Cho nên, những luận điểm ấy chỉ mới có một ý nghĩa hoàn toàn không tưởng mà thôi.
ý nghĩa của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không tưởng - phê phán là theo tỷ lệ nghịch với sự phát triển lịch sử. Đấu tranh giai cấp càng gay gắt và càng có hình thức xác định thì cái ý định ảo tưởng muốn đứng lên trên cuộc đấu tranh giai cấp, cái thái độ đối lập một cách ảo tưởng với đấu tranh giai cấp ấy, càng mất hết mọi giá trị thực tiễn, mọi căn cứ lý luận của chúng. Cho nên, nếu như về nhiều phương diện, các nhà sáng lập ra những học thuyết ấy là những nhà cách mạng thì những tôn phái do môn đồ của họ lập ra luôn luôn là phản động, vì những môn đồ ấy khăng khăng giữ lấy những quan niệm đã cũ của các vị thầy của họ, bất chấp sự phát triển lịch sử của giai cấp vô sản. Vì vậy, họ tìm cách, và về điểm này thì họ là nhất quán, làm lu mờ đấu tranh giai cấp và cố điều hoà các đối kháng. Họ tiếp tục mơ ước thực hiện những thí nghiệm về những không tưởng xã hội của họ lập ra từng pha-lan-xte-rơ riêng biệt, tạo ra những ("Home-colonies"), xây dựng một xứ I-ca-ri nhỏ[18], tức là lập ra một Giê-ru-da-lem mới tí hon - và để xây dựng tất cả những lâu đài trên bãi cát ấy, họ tự thấy buộc phải kêu gọi đến lòng tốt và két bạc của các nhà tư sản bác ái. Dần dần họ rơi vào hạng những người xã hội chủ nghĩa phản động hay bảo thủ đã được miêu tả trên kia, và chỉ còn khác bọn này ở chỗ họ có một lối nói thông thái rởm có hệ thống hơn và tin một cách mê muội và cuồng nhiệt vào hiệu lực thần kỳ của khoa học xã hội của họ.
Vì vậy, họ kịch liệt phản đối mọi phong trào chính trị của công nhân, và theo họ thì một phong trào như thế chỉ có thể là do mù quáng thiếu tin tưởng vào kinh Phúc âm mới mà ra.
Phái ô-oen ở Anh thì chống lại phái Hiến chương, phái Phu-ri-ê ở Pháp thì chống lại phái cải cách.
[Chương trước] [Mục lục] [Chương tiếp theo]
[12] Đây không phải là nói về thời kỳ Phục tích 1660-1689 ở Anh mà là thời kỳ Phục tích 1814-1830 ở Pháp (Chú thích của Ăng-ghen cho lần xuất bản bằng tiếng Anh năm 1888)
[13] [...]
[14] [...]
[15] Trong bản tiếng Anh xuất bản năm 1888 thay cho câu: "Trong sự phát triển về sau của nó, trào lưu này đã biến thành những lời oán thân hèn nhát" là câu "Cuối cùng, khi những sự kiện lịch sử không thể bác bỏ đã làm tiêu tan tác dụng an ủi của ảo tưởng thì chủ nghĩa xã hội này đã biến thành những lời oán thân thảm thương"
[16] Cơn bão cách mạng năm 1848 đã quét sạch hết cả cái trào lu thảm hại ấy và đã làm cho những môn đồ của trào lưu này mất hết hứng thú đầu cơ chủ nghĩa xã hội một lần nữa. Người đại biểu chính và điển hình tiêu biểu nhất của trào lưu này là ngài Các Grun. (Chú thích của Ăng-ghen cho lần xuất bản bằng tiếng Đức năm 1890)
[17] Trong bản tiếng Anh xuấtư bản năm 1888 đoạn này được diễn đạt nh sau: "Những biện pháp thực tế mà họ đề ra, chẳng hạn như thủ tiêu sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn.
[18]
Pha-lan-xte-rơ là tên gọi những khu di dân xã hội chủ nghĩa mà Sác-lơ Phu-ri-ê
hoạch định ra. Ca-bê dùng tên gọi I-ca-ri để gọi đất nước không tưởng của ông
và về sau thì dùng để gọi khu di dân cộng sản chủ nghĩa của ông ở Mỹ. (Chú
thích của Ăng-ghen cho lần xuấtư bản bằng tiếng Anh năm 1888)
Home-colonies
(khu di dân trong nước) là tên gọi mà ô-oen dùng để đặt cho những xã hội cộng
sản chủ nghĩa kiểu mẫu của ông. Pha-lan-xte-rơ là những lâu đài xã hội do
Phu-ri-ê hoạch định ra. I-ca-ri là tên gọi cái đất nước tưởng tợng mà Ca-bê mô
tả khi nói đến những tổ chức cộng sản chủ nghĩa trong đất nước ấy. (Chú thích
của Ăng-ghen cho lần xuất bản bằng tiếng Đức năm 1890